Đặc sản độc, lạ Bình Định “đổ bộ” Sài Gòn: Giá mềm hút khách
Ngày 2 – 3.3, tại khu chợ phiên nông sản Kỳ Hòa (quận 10, TP.Hồ Chí Minh), Hội đồng hương tỉnh Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội người Bình Định tại TP.Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống quê hương. Nhiều món ngon, đặc sản Bình Định được giới thiệu.
Những ngày này, người dân Bình Định có cơ hội gặp gỡ, ôn lại câu chuyện cũ, gắn kết tình cảm cùng nhau hướng về quê nhà. Ngoài ra, đây là dịp để người dân đồng hương quan tâm nhau với nhiều món quà hỗ trợ rất thiết thực dành cho người nghèo.
“Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi” – Chị Thanh Liêm – Chủ thương hiệu đặc sản Thanh Liêm (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đọc câu ca dao này để nói về nguyên do bỏ công sức làm thương hiệu đặc sản quê mình.
Theo chị Liêm, nhiều món đặc sản đất võ đã hội đủ yếu tố “một lần không quên” trong tâm thức bao người sành điệu. Vì vậy, chị cất công vượt khoảng 700km mang gần 100 đặc sản quê hương từ TP.Quy Nhơn vào Sài Gòn để tham dự ngày hội với bánh ít, bánh hồng, nem, tré, dầu dừa…
“Có những món ăn rất ngon mà chỉ có ở Bình Định mới có được. Chúng tôi được ăn vài miếng bánh hồng, bánh ít hay uống ngụm rượu Bàu Đá, nỗi nhớ quê lại cồn cào”, chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi) chia sẻ.
Bánh cuốn Tây Sơn (Bình Định) được khá công phu, từ miếng bánh tráng mỏng được cuộn tròn với rau, chả, thịt lụi… mang hương vị riêng của ẩm thực Bình Định.
Theo chị Võ Thị Ái, để có được món đặc sản Bình Định cho ngày hội, chị phải nhập nguyên liệu từ quê hương vào Sài Gòn để làm món: bún cá ngừ, bún chả cá, bánh xèo với giá rất bình dân. Đặc sản Bình Định giản dị như vậy, nhưng ngon như thế nào chắc ai cũng biết.
Những chiếc bánh xèo vàng rực, nóng hổi được làm từ chính người dân Bình Định.
Đặc sản nem, tré chợ huyện
Nước mắm cá cơm Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) được làm từ cá cơm tươi do chính bàn tay ngư dân quê hương đánh bắt ngoài khơi xa.
Sau khi tàu vừa cập bến, cá cơm được người thợ mang về ướp muối và trải qua rất nhiều công đoạn trong vòng 12 tháng mới ra được lô nước mắm. Với khoảng 3,5 tấn cá thì cho ra được 1,5 tấn nước mắm.
Rất đông người dân xa Bình Định lâu năm thưởng thức đặc sản để vơi nỗi nhớ quê.
Ông Nguyễn Thanh Tâm (ở làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX. An Nhơn) mang rất nhiều đặc sản quê hương là rượu Bàu Đá để phục vụ du khách.
“Tới đây, tôi mong muốn bán được hàng, giới thiệu cho chính người dân Bình Định xa quê và người dân sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh thưởng thức đặc sản của quê hương đất võ.
Đây là sản phẩm chính gốc được làm từ làng, nên không lo chuyện dùng phải hàng giả”, ông Tâm nói.
Ngoài ẩm thực, nghệ thuật bài chòi cũng là “đặc sản” văn hóa của người dân Bình Định.